Lý thuyết KHTN 7 Bài 35 (Cánh diều 2024): Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật

2.3 K

Với tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật sách Cánh diều hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 7.

Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật

A. Lý thuyết KHTN 7 Bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật

I. SỰ THỐNG NHẤT GIỮA CÁC HOẠT ĐỘNG SỐNG TRONG CƠ THỂ

- Cơ thể có sự thống nhất trong cấu trúc:

+ Mọi cơ thể đều được cấu tạo từ tế bào.

+ Cơ thể đơn bào được cấu tạo từ một tế bào, các thành phần cấu trúc trong tế bào có sự phối hợp hoạt động với nhau.

+ Cơ thể đa bào được cấu tạo từ nhiều hệ cơ quan; mỗi hệ cơ quan do nhiều cơ quan hợp lại, mỗi cơ quan được tập hợp từ nhiều mô có chức năng giống nhau, mỗi mô do nhiều tế bào có hình dạng và kích thước, cấu tạo và chức năng giống nhau tạo thành.

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Một số loại tế bào trong cơ thể người

- Cơ thể có sự thống nhất giữa các hoạt động sống:

+ Tế bào là đơn vị chức năng của cơ thể vì cơ thể có 4 đặc trưng cơ bản là trao đổi chất, sinh trưởng, sinh sản, di truyền mà tất cả những hoạt động này được thực hiện ở tế bào. Khi các tế bào phân chia thì cơ thể lớn lên và có thể thực hiện chức năng sinh sản.

+ Trong cơ thể sinh vật, các hoạt động sống tác động qua lại, trong đó, trao đổi chất gắn liền với chuyển hoá năng lượng. Nhờ trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng, cơ thể sinh trưởng, phát triển, cảm ứng và sinh sản.

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong cơ thể

→ Sự thống nhất về cấu trúc và hoạt động sống của cơ thể là biểu hiện cho thấy cơ thể sinh vật là một thể thống nhất.

II. SỰ THỐNG NHẤT GIỮA TẾ BÀO VỚI CƠ THỂ VÀ MÔI TRƯỜNG

Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật - Cánh diều (ảnh 1)

Mối quan hệ giữa chức năng tế bào, cơ thể và môi trường

- Mối quan hệ giữa tế bào với cơ thể:

+ Các hoạt động sống ở cấp tế bào là cơ sở cho các hoạt động sống ở cấp cơ thể: Tế bào thực hiện trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng cung cấp năng lượng và vật chất cho toàn bộ cơ thể hoạt động; tế bào phân chia là cơ sở cho sự sinh trưởng phát triển và sinh sản của cơ thể; tế bào cảm ứng là cơ sở cho các phản ứng cảm ứng ở cấp độ cơ thể;…

+ Các hoạt động sống ở cấp cơ thể điều khiển các hoạt động sống ở cấp tế bào: Khi cơ thể có nhu cầu về vật chất và năng lượng, sinh trưởng và phát triển, sinh sản hoặc cảm ứng sẽ điều khiển các hoạt động tương ứng ở cấp độ tế bào. Ví dụ: Khi cơ thể hoạt động mạnh có nhu cầu cao về năng lượng sẽ điều khiển tăng cường hoạt động hô hấp tế bào.

- Mối quan hệ giữa tế bào với cơ thể và môi trường:

+ Cơ thể lấy từ môi trường ngoài O2 và chất dinh dưỡng để cung cấp cho các tế bào, tế bào sử dụng các O2 và các chất dinh dưỡng này để tạo ra vật chất và năng lượng cho cơ thể thực hiện các hoạt động sống của mình.

+ Hoạt động sống của tế bào tạo ra CO2 và chất thải sẽ được đào thải ra môi trường thông qua hoạt động đào thải của cơ thể.

+ Cơ thể và tế bào có các phản ứng trả lời các kích thích từ môi trường để đảm bảo sự tồn tại của cơ thể trong môi trường.

→ Sự thống nhất giữa tế bào với cơ thể và môi trường là những biểu hiện cho thấy cơ thể sinh vật là một thể thống nhất.

B. Bài tập trắc nghiệm KHTN 7 Bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật

Câu 1. Ở cây cà rốt, cho thông tin sau: 

Cột A

Cột B

1. Rễ

a. thoát hơi nước

2. Thân

b. hút nước và muối khoáng

3. Lá

c. vận chuyển nước

 

d. vận chuyển chất hữu cơ

e. là cơ quan quang hợp chủ yếu

f. dự trữ chất dinh dưỡng

Ghép cột A với nội dung cột B sao cho phù hợp.

A. 1-b, f; 2-c, d; 3-a,e

B. 1-b,e; 2-c,d; 3-a,f

C. 1-c,d; 2-b,f; 3-a,e

D. 1-a,e; 2-b,f; 3-c,d.

Đáp án đúng: A

Ở cây cà rốt:

Rễ làm nhiệm vụ hút nước và muối khoáng; dự trữ chất dinh dưỡng.

Thân làm nhiệm vụ vận chuyển nước; vận chuyển chất hữu cơ.

Lá làm nhiệm vụ thoát hơi nước và tham gia vào quá trình quang hợp.

Câu 2. Cho các nhận định sau:

1. Sự thống nhất về cấu trúc và hoạt động sống của cơ thể là những biểu hiện cho thấy cơ thể sinh vật là một thể thống nhất.

2. Trong cơ thể đa bào, các mô, cơ quan, hệ cơ quan cùng phối hợp thực hiện tất cả các hoạt động sống của cở thể.

3. Trong cơ thể đơn bào, các tế bào phân hóa thành mô, cơ quan khác nhau và tất cả các hoạt động sống đều được diễn ra trong tế bào.

4. Hoạt động sống ở cấp độ cơ thể là cơ sở cho hoạt động sống ở cấp độ tế bào.

Số nhận định đúng là

A. 2.

B. 3.

C. 4.

D. 1.

Đáp án đúng: A

Nhận định đúng là 1, 2.

Nhận định 3 sai vì cơ thể đơn bào là cơ thể có cấu tạo gồm một tế bào, không có sự phân hóa thành mô, cơ quan khác nhau.

Nhận định 4 sai vì hoạt động sống ở cấp độ tế bào là cơ sở cho các hoạt động sống ở cấp độ cơ thể.

Câu 3. Cho các yếu tố sau:

1. Lấy các chất cần thiết như oxygen, nước và các chất dinh dưỡng.

2. Cơ thể lớn lên và sinh sản.

3. Đào thải các chất thải (carbon dioxide, nước tiểu, mồ hôi và các sản phẩm khác).

4. Phản ứng với kích thích từ môi trường bên ngoài.

Trong các hoạt động trên, cơ thể tương tác với môi trường thông qua các hoạt động nào?

A. 1, 2, 3

B. 1, 3, 4

C. 1, 2, 4.

D. 2, 3, 4

Đáp án đúng: B

Cơ thể tương tác với môi trường thông qua hoạt động: lấy các chất cần thiết như oxygen, nước và các chất dinh dưỡng; thải các chất thải (carbon dioxide, nước tiểu, mồ hôi và các sản phẩm khác); phản ứng lại với các kích thích từ môi trường ngoài.

Câu 4. Trong các hoạt động sống, hoạt động sống nào là cơ bản và làm nền tảng cho các hoạt động sống khác?

A. Sinh trưởng và phát triển.

B. Cảm ứng.

C. Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng.

D. Sinh sản.

Đáp án đúng: C

Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng là hoạt động sống cơ bản và làm nền tảng cho các hoạt động sống khác vì nó cung cấp năng lượng và các vật chất cần thiết cho các hoạt động sống khác.

Câu 5. Sự phân chia của tế bào giúp

A. cơ thể lớn lên và sinh sản.

B. cũng cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động.

C. cung cấp các sản phẩm tổng hợp cho tế bào.

D. giúp cơ thể thích ứng với kích thích.

Đáp án đúng: A

Sự phân chia của tế bào giúp cơ thể lớn lên và sinh sản.

Câu 6. Tế bào là đơn vị cấu trúc và chức năng của cơ thể vì

A. tế bào là đơn vị có kích thước nhỏ nhất và mọi hoạt động sống của cơ thể đều được thực hiện nhờ sự hoạt động của tế bào.

B. mọi cơ thể sống đều được cấu tạo từ tế bào và mọi hoạt động sống của cơ thể đều được thực hiện nhờ sự hoạt động của tế bào.

C. tế bào là đơn vị có kích thước nhỏ nhất và tế bào có chức năng sinh sản.

D. mọi cơ thể sống đều được cấu tạo từ tế bào và tế bào có chức năng sinh sản. 

Đáp án đúng: B

- Tế bào là đơn vị cấu tạo của cơ thể vì mọi cơ thể sống đều cấu tạo từ tế bào. Trong đó, cơ thể đơn bào được cấu tạo từ một tế bào còn cơ thể đa bào được cấu tạo từ nhiều tế bào.

- Tế bào là đơn vị chức năng của cơ thể vì cơ thể có 4 đặc trưng cơ bản là trao đổi chất, sinh trưởng, sinh sản, di truyền mà tất cả những hoạt động này được thực hiện ở tế bào.

Câu 7. Sự thống nhất giữa tế bào với cơ thể và môi trường được thể hiện thông qua

A. các hoạt động sống.

B. sự trao đổi chất.

C. sự cảm ứng.

D. các phản xạ.

Đáp án đúng: A

Sự thống nhất giữa tế bào với cơ thể và môi trường được thể hiện thông qua các hoạt động sống.

Câu 8. Cơ thể đơn bào có đặc điểm là

A. chỉ gồm một tế bào nhưng thực hiện được tất cả các hoạt động sống của một cơ thể nhờ sự phối hợp giữa các thành phần cấu trúc của tế bào.

B. chỉ gồm hai tế bào nhưng thực hiện được tất cả các hoạt động sống của một cơ thể nhờ sự phối hợp giữa các thành phần cấu trúc của tế bào.

C. chỉ gồm một tế bào nhưng thực hiện được một số các hoạt động sống của một cơ thể nhờ sự phối hợp giữa các thành phần cấu trúc của tế bào.

D. chỉ gồm một tế bào nhưng thực hiện được tất cả các hoạt động sống của một cơ thể nhờ sự phát triển giữa các thành phần cấu trúc của tế bào.

Đáp án đúng: A

Cơ thể đơn bào có đặc điểm chỉ gồm một tế bào nhưng thực hiện được tất cả các hoạt động sống của một cơ thể nhờ sự phối hợp giữa các thành phần cấu trúc của tế bào.

Câu 9. Cho đoạn thông tin sau: Mọi cơ thể sống đều được cấu tạo từ (1) …………. Cơ thể đa bào gồm nhiều tế bào phân hóa thành các (2) ……………., (3) ………… khác nhau cùng phối hợp thực hiện tất cả các hoạt động sống của cơ thể.

Các từ cần điền là

A. (1) cơ quan; (2) mô; (3) tế bào.

B. (1) tế bào; (2) mô; (3) cơ quan.

C. (1) mô; (2) cơ quan; (3) tế bào.

D. (1) mô; (2) tế bào; (3) cơ quan.

Đáp án đúng: B

Mọi cơ thể sống đều được cấu tạo từ tế bào. Cơ thể đa bào gồm nhiều tế bào phân hóa thành các mô, cơ quan khác nhau cùng phối hợp thực hiện tất cả các hoạt động sống của cơ thể.

Câu 10. Cho các hệ cơ quan sau:

1. Hệ tuần hoàn

2. Hệ hô hấp

3. Hệ cơ và xương

4. Hệ bài tiết

Các hệ cơ quan tham gia phối hợp vào hoạt động chạy thể dục hằng ngày là

A. 1, 2, 3, 4.

B. 1, 2, 3.

C. 2, 3, 4.

D. 1, 3, 4.

Đáp án đúng: A

Các hệ cơ quan tham gia phối hợp vào hoạt động chạy thể dục hằng ngày là hệ tuần hoàn (vận chuyển khí và các chất dinh dưỡng), hệ hô hấp (thực hiện trao đổi khí giữa cơ thể và môi trường), hệ cơ và xương (thực hiện sự vận động), hệ bài tiết (đào thải nước giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ, đào thải các chất dư thừa được sinh ra do quá trình hoạt động của tế bào).

Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 31: Sinh trưởng và phát triển ở động vật

Bài 32: Khái quát về sinh sản và sinh sản vô tính ở sinh vật

Bài 33: Sinh sản hữu tính ở sinh vật

Bài 34: Các yếu tố ảnh hưởng đến sinh sản và điều khiển sinh sản ở sinh vật

Đánh giá

0

0 đánh giá